Ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê

Đã có không ít lần, SHIN đến thăm những trang trại cà phê nằm cheo leo trên những quả đồi cao trên 1000m. Chúng tôi thường hỏi người nông dân “Tại sao cà phê trồng càng cao thì hương vị lại càng đặc trưng”. Độ cao cũng là một trong những yếu tố tiên quyết phức tạp, quyết định đến chất lượng và hương vị của hạt cà phê. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê như thế nào. 

Độ cao của vùng trồng cà phê thể hiện những yếu tố gì?

Thông thường, đối với những loại cà phê đặc sản vùng miền có kèm theo chỉ dẫn địa lý, người ta thường để thông tin vùng trồng ở độ cao bao nhiêu so với mực nước biển. Theo Coffee Research Institute (CQI), độ cao lý tưởng để trồng cà phê ở vùng khí hậu cận nhiệt đới là 550 đến 1.100 masl, và ở những nơi gần xích đạo là khoảng từ 1.000 đến 2.000 masl. Điều này đồng nghĩa với việc, cà phê được trồng càng cao so với mực nước biển càng có chất lượng tốt hơn, nhất là những nơi không sương giá.

Tuỳ theo vào độ cao ngành công nghiệp cà phê chia làm 3 thuật ngữ chính: 

  • Soft Bean (SB) và Strictly Soft Bean (SSB): Dưới 1.200m so với mực nước biển
  • Hard Bean (HB) hoặc High Grown (HG): Trong khoảng 1.200 – 1370m.
  • Strictly Hard Bean (SHB) hay Strictly High Grown (SHG) trên 1.370m.
Cùng tìm hiểu những ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê như thế nào

Ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê: Có phải càng lên cao cà phê càng ngon?

Có một điều dễ khiến chúng ta nhầm lẫn về độ cao và hương vị của cà phê. Thực sự 2 yếu tố này không phải mối tương quan nguyên nhân kết quả: “Vì độ cao nên cà phê mới chất lượng”. Nguyên nhân thực sự của việc thay đổi chất lượng, hương vị cà phê bắt nguồn từ nhiệt độ. Càng lên cao, nhiệt độ môi trường càng thấp (trung bình nhiệt độ môi trường giảm 0,6°C/100m)

Mức oxy thay đổi

Khi nhiệt độ giảm, mức oxy thấp hơn sẽ là một môi trường lý tưởng để quả cà phê phát triển chậm. Chính nhiệt độ thấp, khí hậu mát mẻ đã “trì hoãn” chu kỳ tăng trưởng, cho phép quả cà phê trải qua một quá trình chín dài hơn, tích tụ nhiều chất dinh dưỡng hơn, chủ yếu ở dạng đường (carbohydrate). Hay nói cách khác, khi ở trạng thái này, phần lớn năng lượng của cây cà phê sẽ tập trung vào việc tạo hạt (trái ngược với hoạt động tạo cành, lá) làm cho hạt cà phê trở nên cứng, body dày đặc hơn. 

Canh tác theo phương pháp hữu cơ

Trên những vùng đồi núi cao, cà phê thường được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số canh tác theo phương pháp hữu cơ tự nhiên, cây cà phê được che bóng mát bằng tán từng sum suê, thảm thực vật phong phú, nguồn đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ ôn hoà. Có nhiều loại “thiên địch” giúp chống chọi và tiêu diệt sâu bệnh mà không cần dùng đến thuốc trừ sâu và phân hoá học. Nên có thể nói rằng, cà phê được trồng ở độ cao trên 1.200m sẽ có hương vị tự nhiên và đặc trưng của vùng trồng. 

Cà phê được canh tác theo phương pháp hữu cơ sẽ cho ra chất lượng khác biệt

Hạn chế ảnh hưởng sâu bệnh

Nhiệt độ tối ưu để bệnh gỉ sắt trên cây cà phê phát triển rơi vào khoảng 21 – 25°C, đặc biệt nấm bệnh cũng không thể tồn tại ở nhiệt độ thấp hơn 15°C. Có nghĩa là, ở nhiệt độ thấp, các loại bệnh về thân, lá và quả cà phê sẽ phát triển chậm, yếu hơn. Tương tự, sâu đục quả cà phê cũng chỉ phát triển mạnh ở độ ấm 20–30°C. Càng lên cao, nhiệt độ thay đổi, sâu bệnh suy yếu, hạn chế khả năng làm tổn hại đến cây và quả cà phê, từ đó cho chất lượng hạt vượt trội hơn. 

Độ cao và mật độ hạt

Mật độ của hạt là một trong những yếu tố chịu ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê. Mật độ hạt được hiểu là “độ cứng”, độ đặc của các yếu tố liên kết tạo ra hạt cà phê nhân. Khi hạt cà phê phát triển một cách chậm rãi thì mật độ hạt càng cao, cho ra những hạt cà phê có đọc cứng, trong khi đó cà phê có hạt phát triển nhanh sẽ có mật độ hạt thấp, tức là hạt cà phê mềm, xốp hơn. 

Từ đó chúng ta đều nhận thức được rằng, sự phát triển chậm hơn của hạt cà phê trồng trên độ cao nhất định không chỉ ảnh hưởng đến hương vị, mà nó còn ảnh hưởng đến thành phần vật chất cấu tạo nên hạt cà phê nhân. 

Chất lượng của hạt cà phê không đơn giản nằm ở độ cao

Có thể nói chung chung rằng, độ cao ảnh hưởng đến chất lượng của hạt cà phê. Song, độ cao ấy còn phải được kết hợp bởi yếu tố vĩ độ, nhiệt độ, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và những yếu tố nhỏ khác nữa. Tuy nhiên chúng ta vẫn chọn độ cao là yếu tố đánh giá cà phê. Bởi không giống như độ cao, nhiệt độ, thổ nhưỡng có thể dao động theo mùa, thậm chí là theo giờ. Chính vì vậy, nếu để phân tích một cách cụ thể thì vấn đề này có thể rất phức tạp và khiến cho người nghe mất kiên nhẫn. Thay vì vậy, chúng ta có thể đơn giản hoá vấn đề và nói chung chung rằng càng lên cao, thì cà phê càng ngon. 

Độ cao khiến quả cà phê có thời gian tích đường và tạo độ ngọt

Cuối cùng chúng ta cũng đã hiểu rõ vấn đề những ảnh hưởng của độ cao đến cây cà phê. Tại SHIN Cà Phê, chúng tôi có những vùng trồng đặc trưng như Đà Lạt, Sơn La, Khe Sanh, A Lưới với độ cao dao động từ 700 – trên 1000m so với mực nước biển. Chính điều này đã tạo nên những hương vị đặc trưng của từng loại cà phê đặc sản vùng miền khác nhau. 

Tìm hiểu thêm: Những kiến thức xoay quanh cấu tạo và thành phần hoá học của quả cà phê

Tham khảo thêm về chúng tôi tại Facebook: SHIN Cà Phê

1900571557