Các tiêu chuẩn của cà phê xuất khẩu châu Âu

Theo số liệu thống kê được những năm gần đây, Liên minh châu Âu EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam – chiếm 40% tổng số lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này cho thấy được đây là thị trường vô cùng tiềm năng mà các doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư, phát triển. Đặc biệt, đây được biết là thị trường “khó tính” nên các tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu châu Âu phải được đảm bảo nghiêm ngặt. 

Sự kiện ký kết hiệp định tự do Việt Nam – EU (EVFTA) 

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu. Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ 2 vào EU, chiếm 16,1% thị phần về lượng (chỉ sau Brazil với 22,2%). 

Từ tháng 8 năm 2020, hiệp định tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Sự kiện này đã làm gia tăng cơ hội để Việt Nam xuất khẩu cà phê vào thị trường EU nhờ các cam kết liên quan đến cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác trong EVFTA.

Trước đây, thuế suất cơ bản của EU đối với cà phê Việt Nam nằm trong biên độ 7,5%-11,5%. Theo cam kết của EVFTA, 100% số dòng thuế đối với cà phê đã được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Thực thi cam kết EVFTA, không chỉ các sản phẩm như cà phê nhân xanh hoặc vỏ quả, vỏ lụa cà phê mà ngay cả cà phê chế biến cũng được giảm thuế ngay về 0%.

Để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo EVFTA, cà phê phải có xuất xứ thuần túy, tức là được trồng tại Việt Nam. Đối với các chế phẩm từ cà phê: không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra; và trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm không được vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm.

Từ tháng 8 năm 2020, hiệp định tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Các tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu châu Âu mà doanh nghiệp cần quan tâm

1. Các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm

An toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những tiêu chuẩn trọng tâm trong luật pháp của Liên minh châu Âu (EU). Để xuất khẩu được cà phê sang thị trường này, các doanh nghiệp cần phải xác định rủi ro trong chuỗi cung ứng của mình, tìm được biện pháp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự cố. 

Tuân thủ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm như ISO 9001, ISO 22000 và các nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP). HACCP thường là bước đầu tiên hướng tới các chương trình an toàn thực phẩm nghiêm ngặt hơn như FSSC22000 hoặc BRC.

Áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GLOBAL G.A.P bao gồm các tiêu chuẩn tự nguyện để chứng nhận quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và sản phẩm có thể truy nguyên nguồn gốc.

Các nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP)

2. Kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm

Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất do yếu tố môi trường, thực hành canh tác, phương pháp chế biến hoặc vận chuyển. EU quy định các chất gây ô nhiễm cần được đảm bảo ở mức thấp nhất có thể để không đe dọa sức khỏe con người hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng thực phẩm. Các chất gây ô nhiễm phổ biến có thể được tìm thấy trong các sản phẩm cà phê là: thuốc trừ sâu; độc tố nấm mốc; salmonella; dung môi chiết; polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs); Acrylamide.

3. Kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu

Liên minh châu Âu quy định mức dư lượng tối đa (MRLs) cho thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Các sản phẩm có chứa mức thuốc trừ sâu vượt quá quy định cho phép sẽ bị thu hồi.

Đối với cà phê hữu cơ: mức dư lượng thuốc trừ sâu phải bằng 0, điều này gây khó khăn cho một số nhà xuất khẩu trong trường hợp glyphosate khiến cà phê mất trạng thái hữu cơ.

4. Độc tố nấm mốc

Nấm mốc là một lý do quan trọng khi các sản phẩm bị từ chối thông quan qua biên giới, điển hình là mức Ochratoxin A (OTA). Mặc dù không có giới hạn cụ thể đối với hạt cà phê xanh, nhưng đối với cà phê rang hạt và rang xay: mức OTA tối đa được đặt ở mức 5 μg/kg và đối với cà phê hòa tan: mức tối đa được đặt ở mức 10 μg/kg.

5. Salmonella

Salmonella là một dạng ô nhiễm vi sinh, xảy ra do kỹ thuật thu hoạch và sấy khô không đảm bảo. Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) có thể thu hồi các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu khỏi thị trường khi tìm thấy Salmonella trong quá trình kiểm soát. Chiếu xạ là cách thức để chống lại vi sinh nhưng lại không được EU cho phép sử dụng trên các sản phẩm cà phê.

6. Dung môi chiết xuất

Dung môi có thể được sử dụng để khử cà phê. Giới hạn dư lượng tối đa đối với các dung môi chiết xuất như methyl acetate (20 mg/kg trong cà phê), dichloromethane (2 mg/kg trong cà phê rang) và ethylmethylketone (20 mg/kg trong cà phê).

7. Truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và trách nhiệm trong thực phẩm

Tuân thủ các nghĩa vụ trong tất cả các giai đoạn của sản xuất và phân phối.

An toàn thực phẩm là nguyên tắc cần thiết

8. Ghi nhãn thực phẩm

Thực phẩm đến tay người tiêu dùng cần phải đáp ứng các thông tin bắt buộc về tên sản phẩm, danh sách thành phần, khối lượng ròng, ngày hết hạn, điều kiện bảo quản, nước xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, đánh dấu lô và bảng tuyên bố dinh dưỡng.

Trên đây là một số thông tin cơ bản do về các tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu châu Âu do Bộ công thương quy định và cung cấp. Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai sẽ là một thị trường vô cùng tiềm năng đối với doanh nghiệp cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê phát triển theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. 

Tài liệu tham khảo: Thương vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ của Bộ Công Thương – Nhà xuất bản Công thương.  https://wtocenter.vn/file/18163/cafe_0846.pdf 

Tham khảo thêm thông tin: PHÂN LOẠI CÀ PHÊ PHA PHIN VÀ PHA MÁY

1900571557