XUÂN SỚM TRÊN RẪY CÀ PHÊ CỦA NGƯỜI VÂN KIỀU

Xuân Tân Sửu đang về chầm chậm. Những cơn gió buốt giá như còn luyến tiếc ngày đông, níu màn mưa bụi sà thấp xuống trên những tán cà phê bên đường vào thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Con đường đất đỏ vẫn gập ghềnh như chính tên gọi cái thôn của người Vân Kiều bên dãy Trường Sơn trùng điệp. Cuộc sống vùng cao chưa thể hết nhọc nhằn, nhưng màu xanh khoẻ khoắn của lá cà phê đang ngời lên trong mưa, như hứa hẹn một ngày mai tươi sáng hơn.

Ông Lê Đình Phức – Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây – cho biết: cây cà phê vốn gắn bó lâu đời với bà con dân tộc

Vân Kiều vùng Khe Sanh, Hướng Hoá. Đặc biệt, giống cà phê mít (coffea liberica) được người Pháp đưa đến vùng đất đỏ bazan này từ hơn một thế kỷ trước. Người Vân Kiều thời đó không chỉ trồng cà phê trong các đồn điền của người Pháp, mà còn trồng trên nương rẫy và ngay trong vườn nhà.

Địa hình núi non hiểm trở, song cây cà phê mít với bộ rễ khoẻ khắn cắm sâu vào long đất đỏ bazan, vẫn phát triển tốt do được gieo từ hạt và có đặc tính chịu được khô hạn. Những cây cà phê có thể cao đến mức mỗi khi thu hoạch phải bắc thang như hái tiêu.

Tuy nhiên, giống cà phê mít và thói quen canh tác lạc hậu của bà con khiến năng suất không cao, giá bán cũng thấp hơn so với các loại cà phê khác. Chính vì vậy, dù huyện Hướng Hoá vẫn là một trong những vùng nguyên liệu cà phê trọng điểm, với diện tích trồng khoảng 5.000 ha, nhưng cà phê mít hiện chỉ còn khoảng 600 ha.

Việc canh tác cà phê của bà con Vân Kiều đang “bước sang trang mới”, với dấu ấn ngày càng rõ nét của SHIN Cà Phê, trong hành trình khơi dậy tiềm năng và góp phần xây dựng vùng cà phê đặc sản mang thương hiệu Khe Sanh.

Người dân tộc Vân Kiều tại HTX Chân Mây trong dự án EMEE

Hơn 5 năm qua, SHIN đã đồng hành cùng người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh, biến những rẫy cà phê cằn cỗi, còi cọc như thân sắn, thành những khu vườn cà phê Arabica xanh um đầy nhựa sống. Bàn tay của những người đàn ông Vân Kiều giờ không chỉ biết đánh chiêng núm, chơi kèn amam, đàn achung… mà còn thành thục, tỉ mỉ chăm sóc để cây cà phê cho nhiều quả mọng. Đôi môi của những cô gái Vân Kiều hàng ngày vẫn véo von điệu “chà chấp” hay khúc dân ca “sim” đối đáp tình tứ, trong lúc cần mẫn làm cỏ, bắt sâu cho luống cà phê non…

HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây, với đại đa số thành viên là người Vân Kiều bản địa, ngày càng khẳng định hiệu quả hoạt động. Nhiều gia đình Vân Kiều khác đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Chân Mây. Vào HTX, bà con được hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, và quan trọng hơn là thay đổi tư duy, tiếp cận hướng làm ăn bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài.

Sự thay đổi chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với bà con các dân tộc thiểu số vốn bao đời quen sống dựa vào núi rừng, ít nghĩ xa. Theo chị Lại Hồng Nguyên – nhân viên SHIN – công ty đã phải kiên trì bám dân, làm mẫu cho bà con thấy hiệu quả, theo phương châm khai phá – đồng hành – cùng phát triển, để hình thành vùng nguyên liệu cà phê đặc sản. Không chỉ hướng dẫn tạo sinh kế theo cách mới, doanh nghiệp phải thực sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với đồng bào, để bà con yên tâm gắn bó và thêm động lực thoát nghèo.

Với tình cảm ấy, nhân dịp chuẩn bị đón xuân Tân Sửu, lãnh đạo Tập đoàn PAN đã đến tận nơi, thăm vùng nguyên liệu và tặng quà Tết sớm cho bà con. Những phần quà nghĩa tình, tươi sắc màu xuân mới, đã được trao tận tay các nông dân trồng cà phê – thành viên HTX Chân Mây, cũng như những gia đình Vân Kiều nghèo ở thôn Chênh Vênh.

Cam kết đồng hành bằng những hành động thiết thực của SHIN nói riêng, cũng như cả Tập đoàn PAN nói chung, chắc chắn sẽ góp phần thay da đổi thịt vùng đất Khe Sanh một thời lửa đạn giao tranh ác liệt, từng nổi danh với “trận Điện Biên Phủ thứ hai” năm 1968. Tâm nguyện gửi gắm cho mỗi cây cà phê hôm nay, không dừng lại ở mục đích kinh tế, mà sẽ góp phần cải thiện đời sống của bà con vùng sâu, vùng cao, trên con đường nâng tầm giá trị cà phê đặc sản Việt Nam.

Bà Wendy Matthews, đại sứ New Zealand cùng người dân tộc Vân Kiều tại HTX Chân Mây trong dự án EMEE

Phía trước còn cả chặng đường dài, sẽ còn nhiều gian khó, nhưng mùa xuân thực sự đang về với thôn Chênh Vênh và bà con Vân Kiều, cùng rừng núi ngát xanh…

 

***Nguồn: Hồng Việt – TẠP CHÍ “PAN INSIGNT XUÂN TÂN SỬU 2021

 

1900571557